Tự học ở đại học

(DT) - Trường đại học là nơi lý tưởng nhất để phát huy những khả năng của bạn, giúp bạn thu thập thêm nhiều kiến thức chuyên sâu và cả những kinh nghiệm quý báu. Làm sao học tốt ở đại học? Những lời khuyên sau sẽ giúp ích cho bạn đấy!

1. Tự quản lý

Điểm khác biệt lớn nhất đó là bạn phải tự mình lên kế hoạch học tập cho bản thân. Sẽ không có giáo viên kèm cặp bạn mỗi ngày, bạn phải đến lớp, mượn tài liệu, đọc bài, vào thư viện, tìm kiếm thông tin… Thời gian và không gian làm những việc đó đều do bạn tự quyết định, thành công hay thất bại, kết quả ra sao bạn cũng tự chịu trách nhiệm. Thế nhưng điểm tích cực của cách học này là bạn sẽ tìm ra được phương pháp thích hợp nhất với năng lực bản thân, cũng như sắp xếp lịch học sao cho đảm bảo được khối lượng bài vở không quá nặng nề.

2. Tự kiểm soát

Bạn có trách nhiệm với những gì bạn chọn lựa: môn học, thời gian, nghề nghiệp hướng đến… Những lời khuyên cũng nên lắng nghe, nhưng hơn cả, bạn mới là người quyết định áp dụng lời khuyên nào, áp dụng ra sao và vào thời điểm nào. Và cũng chỉ bản thân bạn mới kiểm soát được mức độ tập trung của mình trong mỗi môn học, luôn duy trì tâm trạng và niềm yêu thích với những gì mình đã chọn lựa. Phải chắc rằng bạn là người nắm vững điểm mạnh, điểm yếu của mình nhất, chứ không nên để bị tác động bởi nhân tố bên ngoài.

3. Lên kế hoạch cá nhân

Trường đại học là nơi lý tưởng nhất để phát huy những khả năng của bạn, giúp bạn thu thập thêm nhiều kiến thức chuyên sâu và cả những kinh nghiệm quý báu. Dù vậy, rất nhiều sinh viên nghĩ rằng vào đại học là để sau này dễ xin việc. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nhà tuyển dụng chú ý một bảng điểm tốt, nhưng điều làm họ quan tâm hơn nữa, đó là khả năng hoạt động thực tế của bạn. Đừng mãi lên kế hoạch về những môn học, hãy lên kế hoạch cho những hoạt động tình nguyện, những chương trình liên kết, hội thi, công việc part-time… Từ những hoạt động đó, bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm và kĩ năng cần thiết cho công việc sau này như kĩ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, nói trước đám đông, giải quyết vấn đề…, đó mới là những gì mà nhà tuyển dụng đánh giá cao.

4. Học cách ghi chép hữu ích

Không phải cứ chép y nguyên lời giảng của giảng viên là thành công. Điều bạn cần ở đây là một cuốn sổ tay nhỏ, và cố gắng ghi chép lại những điều cần chú ý, những việc cần làm và những điều cần tránh. Vì sao vậy? Vì bạn sẽ thấy hối tiếc khi mất thời gian, tiền bạc và công sức học lại, thi lại chỉ vì quên mất hạn nộp bài, đề tài, những tư liệu phục vụ kì thi, ngày giờ thi… Đừng bao giờ để sót những thông tin dạng như vậy bạn nhé!

5. Tìm kiếm thông tin

Nếu bạn có tâm lý ỷ lại vào sự trợ giúp của giảng viên thì bạn đang sai lầm lớn đấy. Phần lớn giảng viên đều cung cấp tư liệu cần đọc cho sinh viên, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cứ ngồi đó chờ đến lúc gần thi mới đi tìm. Vì mỗi tài liệu ở thư viện đều chỉ có một hoặc vài bản lưu, do đó nếu có người mượn trước thì bạn rắc rối to. Để tránh tình trạng dở khóc dở cười này, bạn phải lên kế hoạch mượn tài liệu trước rồi photo ngay, lên danh sách những thư viện hoặc những địa điểm có thể mượn sách khác, và nếu quá khó thì Internet là một công cụ cực kì hữu dụng. Hiện nay có nhiều giảng viên đánh giá năng lực của sinh viên thông qua khả năng tự tìm kiếm và sàng lọc thông tin của họ, vì chỉ có bản thân người học mới nhận diện được thứ gì họ có thể tiếp thu được mà thôi.

6. Sự nỗ lực

Khi tự học, bạn phải luôn giữ cho bản thân tập trung và có động lực. Tuy nhiên không phải lúc nào điều này cũng có thể thực hiện. Sẽ có lúc bạn thấy động lực của mình thay đổi, cũng như mục đích học cũng lung lay. Điều này cũng là tự nhiên, vì không có thứ gì ổn định mãi mãi được. Nhưng quan trọng hơn cả là bạn nhận ra được giá trị trong việc mình đang làm, bạn sẽ đạt được gì trong tương lai sau khi tốt nghiệp. Nỗ lực hết mình không phải vì cái đích, mà là cho hành trình xây dựng bản thân bạn được trọn vẹn hơn. Do đó, đừng nản lòng, hãy cứ bước tiếp bạn nhé!

  ©Copyright by English 4 Student 2009. Ghi rõ nguồn: English 4 Student khi phát hành lại bài viết.



Back to TOP