Thi thử, áp lực thật

(TTO) - Học sinh các trường THPT tại TP.HCM vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp thử. Những trường có tỉ lệ đậu tốt nghiệp thử thấp phải “vắt chân lên cổ” dạy và học, hi vọng một kết quả cao hơn. Kỳ thi này đã khiến cuộc đua ôn thi tốt nghiệp càng trở nên căng thẳng hơn.

Sau khi có kết quả kỳ thi thử với môn lịch sử chỉ có 13% học sinh (HS) đạt yêu cầu, môn ngoại ngữ chỉ đạt 25%, môn địa nhỉnh hơn với 44%, ban giám hiệu Trường THPT An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM ngay lập tức đưa ra nhận định: thời gian ôn tập còn quá ít, môn ngoại ngữ lại đòi hỏi phải có kiến thức cơ bản, khó có thể cải thiện kịp.

Dồn lực cho văn, sử, địa

Vì vậy, hai tuần cuối cùng Trường THPT An Lạc xác định dồn lực cho hai môn sử, địa bằng cách tăng tiết, tăng giáo viên dò bài với hi vọng điểm hai môn này sẽ kéo các môn khác lên. Hiện trường dành các buổi trống tiết trong tuần để tổ chức phụ đạo, dò bài hai môn sử, địa. Ngoài sáu tổ bộ môn thi tốt nghiệp, giáo viên các môn khác như vật lý, sinh học... cũng được huy động để giúp HS ôn bài vào các buổi chiều trong tuần.

Thời gian quá gấp rút nên không chỉ nhà trường mà nhiều HS có sức học trung bình trở xuống chuyển sang ôn luyện ba môn văn, sử, địa để kiếm điểm.

N.H., lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Q.Gò Vấp, than thở: “Các bạn có điểm thi thử thấp đều xác định cố gắng để các môn tự nhiên không bị điểm “chết” là được, thời gian này chỉ tập trung “gạo bài” các môn dễ kiếm điểm thuộc lòng. Nhưng thời gian ngắn mà bài vở lại quá nhiều nên em học trước quên sau, nhiều bài mới học hôm qua hôm nay đã quên phải dò lại...”.

H. cho biết nhà trường tổ chức cho giáo viên bộ môn dò bài liên tục vì quá lo lắng cho kỳ thi sắp tới, nhưng thời điểm “nhạy cảm” nên nhiều HS “kiến thức cứ lọt từ tai này qua tai kia”.

Với những trường có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm ngoái thấp, áp lực phải có nhiều HS đỗ tốt nghiệp hơn trong năm nay càng trở nên nặng nề. Tại Trường dân lập Hoàng Diệu (Q.Tân Bình) năm nay chỉ có 58 HS lớp 12, cứ mỗi HS rớt tốt nghiệp thì tỉ lệ chung sẽ giảm xuống khá nhiều.

Thầy Văn Như Kim, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “58 HS được tách thành ba lớp, nhóm yếu kém, trung bình và khá được dạy riêng để dễ theo dõi. Kỳ thi thử vừa rồi có 22 em không đạt nên với các em này nhà trường tổ chức dò bài buổi tối từ 18g-21g30 để cải thiện lực học được chút nào hay chút ấy”.

Theo bảng điểm thi thử, ở môn hóa chỉ có 18/58 HS trên điểm trung bình. Môn ngoại ngữ chỉ đạt gần 30%.

Áp lực tỉ lệ

Tại Trường dân lập Hưng Đạo, Q.Bình Thạnh, nhà trường đã mua ván ép để làm giường ngủ cho HS lớp 12 ôn bài khuya tại trường, sau khi vận động phụ huynh cho con em vào học nội trú. Đây là trường bán trú nhưng đáp ứng nhu cầu ôn tập của HS lớp 12, nhà trường đã điều động giám thị, giáo viên trực đêm để hỗ trợ HS ôn bài và lo cho HS ăn ngủ ngay tại trường.

Giờ dò bài “một thầy, một trò” kéo dài đến 23g. Nói là “truy bài, dò bài” nhưng thực chất là ôn tập theo kiểu thầy đọc, trò nghe rồi trò đọc, thầy sửa, vì “những em thuộc diện phải ở lại trường để phụ đạo đều mất kiến thức căn bản. Ngay với những môn thuộc lòng, có những đoạn kiến thức sử, địa chỉ dài mấy trăm chữ nhưng các em học mất hai giờ vẫn chưa thuộc.

“Có những bài cô cùng trò phải dò đi dò lại 3-4 lần mà HS vẫn không nhớ nổi” - một giáo viên than thở.

Khoảng 30 trong số 115 HS lớp 12 phải “khăn gói” ở nội trú tại trường trong thời gian ôn thi.

Đại diện ban giám hiệu nhà trường cho biết: “Trường có tỉ lệ đỗ rất thấp do đầu vào thấp, HS phần lớn có hoàn cảnh khó khăn nên kết quả kỳ thi này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời các em. Nhà trường đã dồn hết nhân lực, sức lực để giúp các em tranh thủ học trước ngày thi. Mọi chi phí nội trú, giám thị, giáo viên tăng cường, nhà trường đều tự chi trả chỉ với mong muốn các em có thể đủ kiến thức đậu tốt nghiệp”.

  ©Copyright by English 4 Student 2009. Ghi rõ nguồn: English 4 Student khi phát hành lại bài viết.



Back to TOP