Cách tính điểm thi vào lớp 10?

(TTO) - Cho tôi hỏi cách tính điểm tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM? Điểm ưu tiên, khuyến khích được tính như thế nào? Nghe nói năm nay sẽ không thi môn ngoại ngữ có đúng không? Nếu vậy sẽ thi môn gì?

(Bùi Thị Thu Hồng, Q.4, TP.HCM)

- Theo quy định, môn thi thứ ba trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là một trong các môn học còn lại (trừ môn ngữ văn và toán). Sở Giáo dục - đạo tạo sẽ công bố môn thứ ba sớm nhất 15 ngày trước ngày kết thúc năm học. Hiện nay, do sở chưa chính thức công bố môn thi thứ ba chứ không có nghĩa sẽ không thi môn ngoại ngữ.

Điểm ưu tiên trong thi tuyển sinh vào lớp 10 thường (không áp dụng trong tuyển sinh lớp 10 trường, lớp chuyên) được tính như sau:

+ Cộng 3 điểm cho một trong các đối tượng: con liệt sĩ; con thương binh, bệnh binh và những người hưởng chế độ thương binh, bệnh binh có tỉ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên.

+ Cộng 2 điểm cho một trong các đối tượng: con anh hùng lực lượng vũ trang; con anh hùng lao động; con bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương binh, bệnh binh và những người hưởng chế độ thương binh, bệnh binh có tỉ lệ mất sức lao động từ dưới 81%; người dân tộc thiểu số sinh sống học tập tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

+ Cộng 1 điểm cho các đối tượng: người dân tộc thiểu số không sinh sống học tập tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống học tập tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Điểm khuyến khích trong tuyển lớp 10 thường dành cho các cá nhân đoạt giải trong các kỳ thi ở năm học cuối cấp. Mức điểm khuyến khích được tính như sau:

+ HS được tính 2 điểm khuyến khích gồm: HS đoạt giải trong các kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức; các kỳ thi giữa các nước trong khu vực và quốc tế; giải nhất kỳ thi HS giỏi lớp 9, thi văn nghệ, thể thao do sở GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với với các ngành cấp tỉnh tổ chức.

+ Cộng 1,5 điểm cho các đối tượng: HS đoạt giải nhì (huy chương bạc) trong các kỳ thi do cấp tỉnh tổ chức nêu trong mục trên hoặc được xếp loại giỏi kỳ thi nghề phổ thông do sở GD-ĐT tổ chức.

+ Cộng 1 điểm cho người đoạt giải ba (huy chương đồng) trong các kỳ thi do cấp tỉnh tổ chức nêu ở mục trên hoặc xếp loại khá kỳ thi nghề phổ thông do sở GD-ĐT tổ chức.

+ Cộng 0,5 điểm cho các đối tượng HS xếp loại trung bình kỳ thi nghề phổ thông do sở GD-ĐT tổ chức.

Điểm cộng thêm tối đa cho các đối tượng được hưởng điểm ưu tiên, khuyến khích tối đa không quá 5 điểm.

Điểm xét tuyển trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm tổng điểm (nhân hệ số 2) môn ngữ văn và toán cộng điểm thi môn thứ ba và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

* Con tôi thuộc diện được xét tuyển vào lớp 10 nhưng gia đình muốn cho cháu học ở quận khác, phải thi tuyển? Vậy xin hỏi thủ tục ra sao? Nghe nói chỉ có HS có nguyện vọng thi trường chuyên mới được chuyển từ xét tuyển sang thi tuyển có đúng không? Nếu thi không đậu có được xét về quận nhà không? (Nguyễn Thành Nam, TP.HCM)

- Theo quy định, HS tốt nghiệp THCS trên địa bàn các quận huyện tổ chức xét tuyển sẽ được xét tuyển theo kết quả học tập bốn năm THCS. Nếu HS có nguyện vọng dự thi vào các trường THPT trên địa bàn thi tuyển sẽ làm hồ sơ dự thi tuyển sinh vào lớp 10 theo quy định. Những HS này sẽ được được dự thi vào lớp 10 thường và trường chuyên, lớp chuyên. Tuy nhiên, khi chọn phương án dự thi tuyển sinh vào lớp 10, HS sẽ không còn được xét tuyển vào các trường THPT tại quận nhà.

* Điều kiện dự tuyển vào trường chuyên, lớp chuyên tại các trường THPT TP.HCM như thế nào? Điểm khuyến khích, ưu tiên được tính giống như lớp 10 thường không? Điểm xét tuyển tính như thế nào?

- Theo quy định, HS dự thi vào trường chuyên, lớp chuyên tại TP.HCM thuộc diện tốt nghiệp THCS tại TP.HCM trong độ tuổi 15-17 (hoặc học sớm tuổi hợp lệ) kèm các điều kiện sai: tốt nghiệp THCS loại giỏi, môn đăng ký vào lớp chuyên phải có điểm trung bình cả năm lớp 9 từ 8,0 trở lên đối với các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học (lớp chuyên tin học dùng điểm môn toán để xét) và 7,0 trở lên đối với các môn ngữ văn, tiếng Anh. Riêng Trường THPT Lê Hồng Phong có tuyển HS tốt nghiệp THCS ở các tỉnh thành khác nhưng phải đảm bảo các điều kiện về tuổi và học lực như trên.

Tuyển sinh vào lớp 10 chuyên không tính điểm ưu tiên. Điểm khuyến khích được cộng cho HS đoạt giải HS giỏi lớp 9 cấp thành phố; kỳ thi tài năng do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc tham gia tổ chức theo khu vực một số tỉnh thành thuộc trung ương hoặc toàn quốc; kỳ thi khu vực, thi quốc tế. HS được cộng thêm điểm khuyến khích nếu môn đạt giải là môn chuyên mà HS đăng ký. Mức điểm cộng được tính như sau: giải nhất 2 điểm, giải nhì 1,5 điểm, giải ba 1 điểm.

Điểm xét tuyển vào lớp 10 chuyên là tổng điểm môn ngữ văn + điểm môn toán + điểm môn thứ ba + điểm môn chuyên (nhân hệ số 2) + điểm khuyến khích (nếu có). Trong đó không có bài thi nào dưới điểm 4 và bài thi môn chuyên từ 6 điểm trở lên.
Đọc Tiếp

Thi thử, áp lực thật

(TTO) - Học sinh các trường THPT tại TP.HCM vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp thử. Những trường có tỉ lệ đậu tốt nghiệp thử thấp phải “vắt chân lên cổ” dạy và học, hi vọng một kết quả cao hơn. Kỳ thi này đã khiến cuộc đua ôn thi tốt nghiệp càng trở nên căng thẳng hơn.

Sau khi có kết quả kỳ thi thử với môn lịch sử chỉ có 13% học sinh (HS) đạt yêu cầu, môn ngoại ngữ chỉ đạt 25%, môn địa nhỉnh hơn với 44%, ban giám hiệu Trường THPT An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM ngay lập tức đưa ra nhận định: thời gian ôn tập còn quá ít, môn ngoại ngữ lại đòi hỏi phải có kiến thức cơ bản, khó có thể cải thiện kịp.

Dồn lực cho văn, sử, địa

Vì vậy, hai tuần cuối cùng Trường THPT An Lạc xác định dồn lực cho hai môn sử, địa bằng cách tăng tiết, tăng giáo viên dò bài với hi vọng điểm hai môn này sẽ kéo các môn khác lên. Hiện trường dành các buổi trống tiết trong tuần để tổ chức phụ đạo, dò bài hai môn sử, địa. Ngoài sáu tổ bộ môn thi tốt nghiệp, giáo viên các môn khác như vật lý, sinh học... cũng được huy động để giúp HS ôn bài vào các buổi chiều trong tuần.

Thời gian quá gấp rút nên không chỉ nhà trường mà nhiều HS có sức học trung bình trở xuống chuyển sang ôn luyện ba môn văn, sử, địa để kiếm điểm.

N.H., lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Q.Gò Vấp, than thở: “Các bạn có điểm thi thử thấp đều xác định cố gắng để các môn tự nhiên không bị điểm “chết” là được, thời gian này chỉ tập trung “gạo bài” các môn dễ kiếm điểm thuộc lòng. Nhưng thời gian ngắn mà bài vở lại quá nhiều nên em học trước quên sau, nhiều bài mới học hôm qua hôm nay đã quên phải dò lại...”.

H. cho biết nhà trường tổ chức cho giáo viên bộ môn dò bài liên tục vì quá lo lắng cho kỳ thi sắp tới, nhưng thời điểm “nhạy cảm” nên nhiều HS “kiến thức cứ lọt từ tai này qua tai kia”.

Với những trường có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm ngoái thấp, áp lực phải có nhiều HS đỗ tốt nghiệp hơn trong năm nay càng trở nên nặng nề. Tại Trường dân lập Hoàng Diệu (Q.Tân Bình) năm nay chỉ có 58 HS lớp 12, cứ mỗi HS rớt tốt nghiệp thì tỉ lệ chung sẽ giảm xuống khá nhiều.

Thầy Văn Như Kim, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “58 HS được tách thành ba lớp, nhóm yếu kém, trung bình và khá được dạy riêng để dễ theo dõi. Kỳ thi thử vừa rồi có 22 em không đạt nên với các em này nhà trường tổ chức dò bài buổi tối từ 18g-21g30 để cải thiện lực học được chút nào hay chút ấy”.

Theo bảng điểm thi thử, ở môn hóa chỉ có 18/58 HS trên điểm trung bình. Môn ngoại ngữ chỉ đạt gần 30%.

Áp lực tỉ lệ

Tại Trường dân lập Hưng Đạo, Q.Bình Thạnh, nhà trường đã mua ván ép để làm giường ngủ cho HS lớp 12 ôn bài khuya tại trường, sau khi vận động phụ huynh cho con em vào học nội trú. Đây là trường bán trú nhưng đáp ứng nhu cầu ôn tập của HS lớp 12, nhà trường đã điều động giám thị, giáo viên trực đêm để hỗ trợ HS ôn bài và lo cho HS ăn ngủ ngay tại trường.

Giờ dò bài “một thầy, một trò” kéo dài đến 23g. Nói là “truy bài, dò bài” nhưng thực chất là ôn tập theo kiểu thầy đọc, trò nghe rồi trò đọc, thầy sửa, vì “những em thuộc diện phải ở lại trường để phụ đạo đều mất kiến thức căn bản. Ngay với những môn thuộc lòng, có những đoạn kiến thức sử, địa chỉ dài mấy trăm chữ nhưng các em học mất hai giờ vẫn chưa thuộc.

“Có những bài cô cùng trò phải dò đi dò lại 3-4 lần mà HS vẫn không nhớ nổi” - một giáo viên than thở.

Khoảng 30 trong số 115 HS lớp 12 phải “khăn gói” ở nội trú tại trường trong thời gian ôn thi.

Đại diện ban giám hiệu nhà trường cho biết: “Trường có tỉ lệ đỗ rất thấp do đầu vào thấp, HS phần lớn có hoàn cảnh khó khăn nên kết quả kỳ thi này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời các em. Nhà trường đã dồn hết nhân lực, sức lực để giúp các em tranh thủ học trước ngày thi. Mọi chi phí nội trú, giám thị, giáo viên tăng cường, nhà trường đều tự chi trả chỉ với mong muốn các em có thể đủ kiến thức đậu tốt nghiệp”.
Đọc Tiếp

Tự học ở đại học

(DT) - Trường đại học là nơi lý tưởng nhất để phát huy những khả năng của bạn, giúp bạn thu thập thêm nhiều kiến thức chuyên sâu và cả những kinh nghiệm quý báu. Làm sao học tốt ở đại học? Những lời khuyên sau sẽ giúp ích cho bạn đấy!

1. Tự quản lý

Điểm khác biệt lớn nhất đó là bạn phải tự mình lên kế hoạch học tập cho bản thân. Sẽ không có giáo viên kèm cặp bạn mỗi ngày, bạn phải đến lớp, mượn tài liệu, đọc bài, vào thư viện, tìm kiếm thông tin… Thời gian và không gian làm những việc đó đều do bạn tự quyết định, thành công hay thất bại, kết quả ra sao bạn cũng tự chịu trách nhiệm. Thế nhưng điểm tích cực của cách học này là bạn sẽ tìm ra được phương pháp thích hợp nhất với năng lực bản thân, cũng như sắp xếp lịch học sao cho đảm bảo được khối lượng bài vở không quá nặng nề.

2. Tự kiểm soát

Bạn có trách nhiệm với những gì bạn chọn lựa: môn học, thời gian, nghề nghiệp hướng đến… Những lời khuyên cũng nên lắng nghe, nhưng hơn cả, bạn mới là người quyết định áp dụng lời khuyên nào, áp dụng ra sao và vào thời điểm nào. Và cũng chỉ bản thân bạn mới kiểm soát được mức độ tập trung của mình trong mỗi môn học, luôn duy trì tâm trạng và niềm yêu thích với những gì mình đã chọn lựa. Phải chắc rằng bạn là người nắm vững điểm mạnh, điểm yếu của mình nhất, chứ không nên để bị tác động bởi nhân tố bên ngoài.

3. Lên kế hoạch cá nhân

Trường đại học là nơi lý tưởng nhất để phát huy những khả năng của bạn, giúp bạn thu thập thêm nhiều kiến thức chuyên sâu và cả những kinh nghiệm quý báu. Dù vậy, rất nhiều sinh viên nghĩ rằng vào đại học là để sau này dễ xin việc. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nhà tuyển dụng chú ý một bảng điểm tốt, nhưng điều làm họ quan tâm hơn nữa, đó là khả năng hoạt động thực tế của bạn. Đừng mãi lên kế hoạch về những môn học, hãy lên kế hoạch cho những hoạt động tình nguyện, những chương trình liên kết, hội thi, công việc part-time… Từ những hoạt động đó, bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm và kĩ năng cần thiết cho công việc sau này như kĩ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, nói trước đám đông, giải quyết vấn đề…, đó mới là những gì mà nhà tuyển dụng đánh giá cao.

4. Học cách ghi chép hữu ích

Không phải cứ chép y nguyên lời giảng của giảng viên là thành công. Điều bạn cần ở đây là một cuốn sổ tay nhỏ, và cố gắng ghi chép lại những điều cần chú ý, những việc cần làm và những điều cần tránh. Vì sao vậy? Vì bạn sẽ thấy hối tiếc khi mất thời gian, tiền bạc và công sức học lại, thi lại chỉ vì quên mất hạn nộp bài, đề tài, những tư liệu phục vụ kì thi, ngày giờ thi… Đừng bao giờ để sót những thông tin dạng như vậy bạn nhé!

5. Tìm kiếm thông tin

Nếu bạn có tâm lý ỷ lại vào sự trợ giúp của giảng viên thì bạn đang sai lầm lớn đấy. Phần lớn giảng viên đều cung cấp tư liệu cần đọc cho sinh viên, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cứ ngồi đó chờ đến lúc gần thi mới đi tìm. Vì mỗi tài liệu ở thư viện đều chỉ có một hoặc vài bản lưu, do đó nếu có người mượn trước thì bạn rắc rối to. Để tránh tình trạng dở khóc dở cười này, bạn phải lên kế hoạch mượn tài liệu trước rồi photo ngay, lên danh sách những thư viện hoặc những địa điểm có thể mượn sách khác, và nếu quá khó thì Internet là một công cụ cực kì hữu dụng. Hiện nay có nhiều giảng viên đánh giá năng lực của sinh viên thông qua khả năng tự tìm kiếm và sàng lọc thông tin của họ, vì chỉ có bản thân người học mới nhận diện được thứ gì họ có thể tiếp thu được mà thôi.

6. Sự nỗ lực

Khi tự học, bạn phải luôn giữ cho bản thân tập trung và có động lực. Tuy nhiên không phải lúc nào điều này cũng có thể thực hiện. Sẽ có lúc bạn thấy động lực của mình thay đổi, cũng như mục đích học cũng lung lay. Điều này cũng là tự nhiên, vì không có thứ gì ổn định mãi mãi được. Nhưng quan trọng hơn cả là bạn nhận ra được giá trị trong việc mình đang làm, bạn sẽ đạt được gì trong tương lai sau khi tốt nghiệp. Nỗ lực hết mình không phải vì cái đích, mà là cho hành trình xây dựng bản thân bạn được trọn vẹn hơn. Do đó, đừng nản lòng, hãy cứ bước tiếp bạn nhé!
Đọc Tiếp

Hơn 1,8 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2010


(DT) - Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, tổng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2010 là 1.868.742, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm 12,6%. Khối A vẫn chiếm số lượng hồ sơ cao nhất là 53,9%.
Trong hơn 1,8 triệu hồ sơ đăng ký dự thi, ĐH là 1.378.878 hồ sơ, chiếm 73,7%; CĐ là 489.864 hồ sơ, chiếm 26,3%.

Khối A vẫn chiếm lượng hồ sơ lớn nhất với 743.607 hồ sơ (53,9%); khối B, 272.608 hồ sơ (19,8%); khối D 209.102 hồ sơ (15,2%); khối C có 105.151 hồ sơ (7,6%). Các khối còn lại chiếm 3,5%. Hệ CĐ có 61% hồ sơ khối A; 13,3% khối B; 13,9% khối D; 8,4% khối C; còn lại là các khối khác.

Tính theo khu vực, KV1: 607.472 hồ sơ, chiếm 32,5%; KV2 - 352.211, chiếm 18,8%; KV 2 – nông thôn: 684.991, chiếm 36,7%; KV3: 224.068, chiếm 12%. Đối tượng ưu tiên, nhóm ưu tiên 1 chiếm 6,3% (118.512 hồ sơ); nhóm ưu tiên 2 chiếm 2,7% (49.047 hồ sơ); nhóm học sinh phổ thông không ưu tiên là 1.701.684 hồ sơ, chiếm 91%.

Tuyển sinh năm 2010 có 133 trường không tổ chức thi mà dựa vào kết quả thi theo đề chung của Bộ để xét tuyển, trong đó có 46 trường ĐH, 87 trường CĐ.

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của học sinh có nguyện vọng 1 tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của các trường ĐH là 230.295, chiếm 12,3% tổng số hồ sơ. Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ 2010 tăng 10% so với năm 2009, có hơn 570.000 chỉ tiêu vào ĐH,CĐ. Trong đó, 3 nhóm ngành có chỉ tiêu cao nhất là nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ: 142.750 chỉ tiêu; Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng: 102.780 chỉ tiêu; nhóm Nông - Lâm - Ngư: 90.970 chỉ tiêu.

Tiếp đến là nhóm ngành khoa học Tự nhiên và khoa học Xã hội và nhân văn: 89.650 chỉ tiêu; Sư phạm: 64.450 chỉ tiêu; Y - Dược: 51.400 chỉ tiêu và nhóm ngành Nghệ thuật - Thể dục, thể thao: 29.000 chỉ tiêu...

Bộ tăng cường siết chặt kỷ luật phòng thi

Nhằm tăng cường kỷ luật phòng thi, Quy chế tuyển sinh 2010 đã quy định rõ, mỗi phòng thi tối đa không quá 40 thí sinh.

Đối với thí sinh Bộ quy định rõ: Thí sinh chỉ cần viết, vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi là bị đình chỉ thi. Thí sinh bị hủy bỏ kết quả thi nếu nhờ người khác thi hộ hoặc làm bài hộ cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp.

Đặc biệt, Bộ có thêm quy định xử lý đối tượng sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp vì kỳ tuyển sinh trước nhiều trường ĐH đã phát hiện thí sinh đăng ký xét tuyển bằng giấy chứng nhận kết quả giả mạo như scan, photocopy rồi làm con dấu giả... Các đối tượng vi phạm sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với giám thị, Bộ cũng đưa ra hình thức kỷ luật nặng hơn như áp dụng mức xử lý kỷ luật cao nhất buộc thôi việc hoặc bị xử lý theo pháp luật đối với cán bộ đưa đề thi ra ngoài khu vực thi, hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi, làm lộ đề thi, mua, bán đề thi, làm lộ số phách bài thi, sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của TS, chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong sổ điểm, đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của TS, gian dối trong việc xét tuyển và triệu tập TS trúng tuyển.
Mức kỷ luật nhẹ nhất là khiển trách đối với những người phạm lỗi nhẹ trong khi thi hành nhiệm vụ và cảnh cáo đối với những người vi phạm một trong các lỗi như để cho TS tự do quay cóp, mang và sử dụng tài liệu hoặc các phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm... tại phòng thi; bị cán bộ giám sát phòng thi hoặc cán bộ thanh tra tuyển sinh phát hiện và lập biên bản; chấm thi hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót. Tùy theo mức độ, người vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác (nếu là cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan doanh nghiệp nhà nước), buộc thôi học (nếu là sinh viên đi coi thi) đối với những người vi phạm một trong các lỗi ra đề thi sai, trực tiếp giải bài rồi hướng dẫn cho TS lúc đang thi...

* Theo lãnh đạo Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 đạt các yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của TS trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Đề thi sẽ không nằm ngoài và vượt chương trình trung học, không thuộc những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm. Nội dung của đề cũng không ra vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. “Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp”.

Khác với kỳ tuyển sinh trước, tuyển sinh 2010, Bộ yêu cầu các trường in giấy chứng nhận kết quả thi ĐH cho những TS không trúng tuyển nhưng có kết quả thi CĐ bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu theo quy định. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để các TS tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ hoặc hệ CĐ của các trường ĐH còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Đọc Tiếp

Tuyển 8 ngành liên thông trung cấp lên CĐ và ĐH

(TTO) - Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM tuyển sinh hệ đào tạo liên thông từ trung cấp lên ĐH chính quy với năm ngành và trung cấp lên CĐ chính quy với ba ngành. Trúng tuyển được đào tạo theo hình thức tập trung vào các buổi tối trong tuần.

Đối với trung cấp lên ĐH tuyển năm ngành: công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, kế toán (kế toán - kiểm toán), công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (xây dựng dân dụng và công nghiệp), công nghệ thực phẩm.

Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, các tổ chức kinh tế, có thời gian làm việc chuyên môn từ ba năm trở lên (tốt nghiệp loại khá, giỏi, không cần xác nhận thời gian làm việc), có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành tương đương ngành đăng ký. Trúng tuyển được đào tạo ba năm.

Đối với trung cấp lên CĐ tuyển ba ngành: kỹ thuật điện (điện công nghiệp), quản trị kinh doanh, quản trị du lịch - nhà hàng - khách sạn. Trúng tuyển được đào tạo 1,5 năm. Sau đó, sinh viên có thể tiếp tục học 1,5 năm để lấy bằng ĐH.

Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, các tổ chức kinh tế, có thời gian làm việc chuyên môn từ một năm trở lên (tốt nghiệp loại khá, giỏi không cần xác nhận thời gian làm việc), có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành tương đương ngành đăng ký.

Thi tuyển môn tin học cơ bản, Anh văn cơ bản và môn chuyên ngành. Thí sinh mua và nộp trực tiếp hồ sơ tại Văn phòng hỗ trợ học vụ của trường (khu tiền sảnh Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, 144/24 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, ĐT: 08. 35120782) đến ngày 30-4-2010.
Đọc Tiếp

  ©Copyright by English 4 Student 2009. Ghi rõ nguồn: English 4 Student khi phát hành lại bài viết.



Back to TOP