Đổi mới phương pháp hay thay đổi triết lý dạy học?

(Tuan VN) - Những thông tin của khoa học GD thời đại thế giới phẳng cho thấy, GD hiện đại đã có sự thay đổi rất cơ bản về tư duy và triết lý dạy học.

Có một sự ngẫu nhiên mà gặp. Giữa lúc xã hội ồn ào về chủ trương tăng học phí, ngành giáo dục vẫn liên tục mở ra những hội thảo chủ đề về giáo viên. Gần đây, hội thảo của các trường sư phạm "Đổi mới phương pháp dạy học"; và mới nhất, sự kiện đề thi Văn (Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009) được ra theo lối "mở" khiến dư luận báo chí ngay lập tức, lại hào hứng với vấn đề này.

Đủ hiểu, để nâng cao chất lượng GD, người thầy và phương pháp dạy học (PPDH) vẫn luôn là một trong những yếu tố quyết định. Yêu cầu đổi mới PPDH không chỉ là nỗi day dứt và khát vọng của ngành GD, mà còn là mong muốn, là nỗi bức xúc của xã hội.

"Chùm nho xanh" đổi mới phương pháp

Thực ra, đổi mới PPDH không phải là vấn đề mới, thậm chí, nó nảy nở khá sớm, từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhiều bộ trưởng GD qua các thời kỳ, và các nhà nghiên cứu khoa học GD rất quan tâm vấn đề này, từng đi sâu mổ xẻ và tranh cãi về "sự bí ẩn" đầy kiêu hãnh của PPDH.

Dấu ấn rõ nhất, tại công cuộc đổi mới GD phổ thông đang triển khai, đổi mới PPDH vừa được coi là phương thức xuyên suốt quá trình dạy học, vừa là mục tiêu tối thượng. Vậy nhưng, đã chục năm triển khai, đầu tư tốn nhiều bạc tỷ, "chùm nho" đổi mới PPDH dường như còn rất xanh trước cái nhìn thèm muốn của ngành GD. Vì sao?

Có 4 nguyên nhân sau:

- Nền GD nước ta, thoát thai từ những nền GD mang tính "hàn lâm" (GD nho giáo; GD Pháp thuộc; và đặc biệt GD nước Nga Xô- viết), cho đến giờ, vẫn mang "quán tính" của GD "hàn lâm", nặng thói quen thầy đọc - trò chép.

- Hệ thống các trường sư phạm- máy cái của ngành, lẽ ra phải đi tiên phong, chí ít cũng song hành và tương thích với những chủ trương đổi mới của GDPT, nhất là về đổi mới PPDH, thì có vẻ như ở thế thụ động, đứng ngoài cuộc. Giáo viên trẻ lúng túng, giáo viên có kinh nghiệm thì sức "ì " lại lớn.

- Nhận thức và tư duy đổi mới PPDH của ngành còn sơ lược, ấu trĩ, nên việc đổi mới PPDH trong thực tiễn mới chỉ tập trung ở phần kỹ thuật, thủ thuật dạy học, đã thế lại "cực đoan". Nếu trước đây, sách giáo khoa viết nặng tính lý thuyết thuần túy, thì bây giờ, vẫn lý thuyết ấy, gần như bài nào sách cũng yêu cầu phải sử dụng đồ dùng dạy học. Nhưng cơ chế cung ứng thiết bị GD đầy lỗ hổng, rút cục, "tiền tỷ ném ra gió" còn thầy trò vẫn học nặng lý thuyết, dạy chay- học chay.

- Đổi mới PPDH đòi hỏi kéo theo đổi mới cách đánh giá, thi cử. Nhưng thực tế cách thi cử, kiểm tra, đánh giá vẫn theo kiểu cũ, cả trò lẫn thầy.

Vậy, phải đi theo con đường khác.

Thay đổi triết lý dạy học

Từ lâu, theo các chuyên gia giáo dục, phương pháp hoạt động của con người quyết định tố chất con người. Con người được hoạt động trong môi trường sáng tạo, sẽ có năng lực sáng tạo, hoạt động trong môi trường hợp tác, sẽ có năng lực hợp tác, còn hoạt động trong môi trường lý thuyết, thừa hành (nhồi sọ), sẽ có "năng lực" bắt chước, rập khuôn, thiếu sáng tạo. Nhân cách con người hình thành không chỉ bằng sự răn dạy, mang tính thuyết giáo mà phải bằng tổ chức hoạt động, từ đó tạo nên nhận thức, cảm xúc, và bản lĩnh riêng.

Những thông tin của khoa học GD thời đại thế giới phẳng cho thấy, GD hiện đại đã có sự thay đổi rất cơ bản về tư duy và triết lý dạy học. Tổng kết của UNESCO nêu, người thầy phải chuyển mạnh từ chỗ truyền thụ kiến thức một chiều sang tổ chức hoạt động sáng tạo và hợp tác, chú ý đến 2 năng lực này như năng lực vượt trội, và coi trọng việc "cá biệt hoá" học tập của học sinh.

Triết lý dạy học mới cho thấy ngành GD phải coi việc tổ chức hoạt động giáo dục trong giờ dạy là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng GD. Xoay quanh nó là hệ thống các giải pháp đồng bộ trong và ngoài nhà trường phải thay đổi.

Như vậy, quan trọng nhất là chương trình GD phải chuẩn mực, theo hướng ưu tiên tinh giản lượng kiến thức, tập trung cho tổ chức hoạt động, thực hành sáng tạo và hợp tác của học sinh trong một giờ học. Quy mô lớp học vừa phải (đây là yếu tố quan trọng không kém), bảo đảm giáo viên dạy sát đối tượng học sinh.
Gắn với sự đổi mới tư duy này, là đổi mới cơ chế quản lý GD: Từ quản lý chuyên môn, quản lý nhà trường, đến quản lý nhà nước; và việc đánh giá, kiểm tra, thi cử từ học sinh, sinh viên đến giáo viên, giảng viên phải khác trước. Các điều kiện từ học tập của học sinh, sinh viên, đến làm việc của giảng viên, giáo viên phải được đầu tư, đáp ứng tối thiểu yêu cầu.

Phát triển chiến lược GD hay cải cách GD đều phải coi trọng nhất sự đổi mới này.

Nhưng một câu hỏi đặt ra, đổi mới PPDH không chờ đợi cho đến khi CCGD. Vậy, một giờ dạy có sự đổi mới PPDH trong tình hình hiện nay là thế nào?

Câu trả lời: Đó là thiết kế giờ dạy cần tập trung lựa chọn những kiến thức tinh tuý nhất mang tính kỹ năng cơ bản, mạnh dạn lược bỏ những kiến thức "râu ria", không quan trọng. 40% thời lượng dành để tổ chức cho học sinh, sinh viên hoạt động theo nhóm, trình bày ý tưởng, nhận thức của họ, để họ chiếm lĩnh kiến thức một cách hứng thú (kết hợp sự tiện ích của công nghệ thông tin, thiết bị dạy học...).

Nhà trường sư phạm cần là nơi tiên phong đổi mới cung cách đào tạo người thầy, để họ có thể "nhập thế" với đời sống GD phổ thông, bởi phương pháp đào tạo sinh viên sư phạm thế nào, sẽ ra người thầy giáo dạy học cho học sinh phổ thông thế ấy. Giảng viên, giáo viên giỏi, những người tâm huyết và có năng lực là những người đi đầu công việc này. Có thể, sự thay đổi chưa thể thấy ngay, nhưng hiệu quả, sẽ là "mưa dầm thấm lâu".

Gắn với đổi mới PPDH, một khâu không thế thiếu, được coi là động lực cho đổi mới PPDH là cách đánh giá, thi cử phải khác trước; bảo đảm "đo cái cần đo" (tính sáng tạo, năng lực vận dụng tư duy trong thực tiễn), tạo ra sự tích cực của sinh viên, giáo viên, học sinh, tránh "dạy một đằng, thi một nẻo". Quan trọng nhất, phối hợp sự đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, nếu không sẽ chỉ tạo ra "bệnh đối phó với thi cử", có thi mới có học, thi kiểu gì, dạy và học kiểu ấy.

Vì lẽ đó, sự ngẫu nhiên không hẹn mà gặp: Hội thảo đổi mới PPDH của các trường sư phạm trong cả nước, và cách ra đề thi Văn theo lối "mở" tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009 mới đây, liệu có phải là nhân duyên tích cực?

Hay đổi mới PPDH vẫn mãi là "chùm nho xanh"?



Lời Bình Của Đọc Giả
(Lưu ý: Chúng tôi sẽ chọn những lời bình hay để đăng)


Nickname
Địa chỉ Email
Lời bình của bạn
Vui lòng nhập các kí tự bên dưới vào ô màu trắng
[ Xem các kí tự nhập rõ hơn ]



  ©Copyright by English 4 Student 2009. Ghi rõ nguồn: English 4 Student khi phát hành lại bài viết.



Back to TOP