Bệnh thành tích, chống làm sao?

(GV) - Thời gian gần đây, phong trào hai không có vẻ đã lắng dịu và hình như người ta cũng sắp đưa nó vào miền dĩ vãng. Vấn đề thi cử có cải thiện đôi chút, bằng chứng là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT không còn cao ngất trời như trước nữa. Nhưng bệnh thành tích trong giáo dục thì chống như thế nào, và chống làm sao?

Phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng bệnh thành tích là một căn bệnh trầm kha rất khó chữa trị vì nó đã di căn từ quá lâu, nó đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người. Bởi vậy để chống nó cần phải thay đổi quan niệm trong đánh giá các tiêu chuẩn của giáo dục. Khi tư duy con người vẫn theo lối mòn đã mấy mươi năm thì dù có đi mãi cũng không đến được cái đích mới. Muốn chống bệnh thành tích thì phải mạnh dạn phát quang để tạo ra con đường mới. Con đường ấy không khó để nhận ra.

Con tôi học lớp hai ở một trường tiểu học lớn của thành phố P. Thi cuối kỳ II vừa rồi cô giáo làm sẵn năm bài tập làm văn rồi photo phát cho mỗi học sinh một tờ dặn về nhà học thuộc. Họp phụ huynh cuối năm, cô giáo khoe rằng, trong môn toán, nhiều em gần hết giờ rồi mà làm chưa xong, cô giáo coi thi phải lấy bài của em làm xong đưa cho các em đó chép nên thành tích của lớp mới cao như vậy (!?)

Ở một ngôi trường THPT nọ, trong năm học có đến mấy chục vụ học sinh đánh nhau, nhan nhản chuyện trò xúc phạm thầy cô. Về học tập, chỉ có 20% đạt loại khá giỏi nhưng giáo viên của trường có đến 80% đạt lao động loại giỏi, Trường thì đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc. Bằng khen, giấy khen của cấp trên tới tấp bay về, người ta tới tấp nhận danh hiệu mà không chút bùi ngùi, trăn trở với thực tế.

Có một điều hết sức buồn cười nhưng vẫn tồn tại dai dẳng trong trường học, đó là việc đăng ký danh hiệu thi đua đầu năm. Đã đăng ký thì phải đưa ra chỉ tiêu thật cao. Chỉ tiêu cao thì bằng mọi giá phải phải đạt cho được. Mà thực tế trái ngược với ước mơ nên phải tự lừa dối mình. Có mấy ai can đảm từ chối nhận danh hiệu thi đua khi thấy mâu thuẫn với kết quả công việc? Nhiều giáo viên được cấp trên công nhận là giáo viên giỏi nhưng học sinh thì không nghĩ như vậy.

Làm sao chống được bệnh thành tích khi tiêu chuẩn đánh giá đối với trường, đối với giáo viên không dựa vào thực chất hiệu quả giáo dục mà chỉ dựa vào những con số đẹp, vào bản báo cáo thành tích gửi lên cấp trên. Có mấy ai dũng cảm chấp nhận thực tế để các hoạt động đi vào thực chất hơn. Hiệu trưởng rất ngại báo cáo lên cấp trên các tỉ lệ phần trăm thấp nên giáo viên rất ngại cho học sinh điểm kém. Vì danh hiệu thi đua, nhà trường không muốn cho học sinh ở lại lớp nên giáo viên cứ làm tròn trĩnh điểm số. Vì thế tình trạng ngồi nhầm lớp không mấy được cải thiện. Nếu danh hiệu thi đua của giáo viên đã làm họ tự huyễn hoặc mình, thì điểm số của học sinh đã làm các em ngộ nhận về mình. Vô hình chung, chúng ta đã tạo ra nhiều thế hệ con người thiếu trung thực.

Có thể thấy rằng, việc chống bệnh thành tích trong giáo dục của ta khó đạt được hiệu quả như mong muốn là do cách làm thi đua của chúng chưa đúng thực chất. Thi đua là động lực cho hành động, nhưng nếu danh hiệu thi đua là là ưu tiên hàng đầu, là cơ sở số một để đánh giá năng lực giáo viên và nhà trường thì nó chỉ tạo thói quen lừa dối. Hiện nay, danh hiệu thi đua đang làm nặng thêm căn bệnh thành tích trong giáo dục.




Lời Bình Của Đọc Giả
(Lưu ý: Chúng tôi sẽ lựa chọn những lời bình hay để đăng)


Nickname
Địa chỉ Email
Lời bình của bạn
Vui lòng nhập các kí tự bên dưới vào ô màu trắng
[ Xem các kí tự nhập rõ hơn ]



  ©Copyright by English 4 Student 2009. Ghi rõ nguồn: English 4 Student khi phát hành lại bài viết.



Back to TOP